Trình bày

 

Người chủ trì phản biện luôn là người nhường sân khấu cho một thành viên trong đội, một giám khảo hoặc một người từ khán giả lên nói. Khi một người nói đã bắt đầu, họ chỉ phải xuống sân khấu khi có lệnh của Người chủ trì phản biện hoặc người bấm giờ.

Thành viên từ các đội phản biện phải đứng dậy khi phát biểu – bất kể họ đang thực hiện một bài nói chuẩn bị sẵn, nêu lên POI / POA / v.v. hay đặt câu hỏi. Để tránh lãng phí thời gian, họ nên đứng nói tại vị trí của mình hơn là đi lên giữa sân khấu.

Nên tránh đọc các trình bày được soạn sẵn, ngoại trừ những đoạn dữ liệu – số liệu thống kê, sự kiện lịch sử, trích dẫn của người thứ ba, v.v. hoặc để đề cập đến các lập luận của phía bên kia.

Để tránh cá nhân hóa cuộc phản biện, tất cả những người nói nên gọi các đội còn lại ở ngôi thứ ba ("Đội kia", "Thành viên phát biểu từ Đội 2", "Đối thủ của chúng tôi") thay vì nói ví dụ như ("bạn" hoặc "anh Minh, điều đó là sai"). Tuy nhiên, không cần phải trang trọng.

Điểm thông tin (POI)

 

Điểm Thông tin được lan truyền rộng rãi trong hầu hết các phong cách phản biện và là những câu ngắt lời người nói ngắn gọn của các thành viên đội khác để đưa ra lập luận phản bác.

POI chỉ có thể được đề nghị bởi các thành viên của đội khác với đội đang nói. Để làm điều đó, thành viên của đội kia giơ tay. Người nói nhận được POI có thể chọn chấp nhận hoặc không chấp nhận POI được đưa ra. Nếu chấp nhận, người nói chỉ cần nói "Vâng?" và tạm thời nhường sân khấu cho đối thủ. Nếu không chấp nhận, người nói chỉ cần nói "Không, cảm ơn" hoặc chỉ đơn thuần thực hiện một cử chỉ bằng tay để gạt bỏ đề nghị và tiếp tục.

Một POI có thể kéo dài không quá 15 giây.

Thông thường, hầu hết các hệ thống phản biện đều xác định "thời gian được bảo vệ" của một bài trình bày, trong đó POI không thể được đưa ra. Xét thời lượng các vòng của chúng ta, thì thời gian được bảo vệ này sẽ là 45 giây đầu tiên và cuối cùng của bài trình bày.

 

Điểm Trật tự (POO)

Bất kỳ thành viên đội nào tin rằng các quy tắc phản biện đã bị phá vỡ đều có thể nêu lên Điểm Trật tự, và nó phải được thực hiện ngay lập tức khi phát hiện thấy vi phạm.

Trình tự nêu lên Điểm Trật tự như sau:

  1. Người phản biện muốn nêu lên POO đứng lên và nói: "Điểm Trật tự".
  2. Người nói ngừng nói.
  3. Người phản biện có POO nói với Người chủ trì phản biện và giải thích sự việc. Trong thời gian này, thời gian tạm dừng.
  4. Sau khi nghe sự việc, Người chủ trì phản biện đưa ra quyết định.

 

Nói chung, Điểm Trật tự:

  • Có thể ngắt lời người nói.
  • Không thể bàn cãi.
  • Không thể sửa đổi hoặc xem xét lại.
  • Được quyết định bởi Người chủ trì phản biện, và quyết định là cuối cùng.

 

Điểm Đồng thuận (POA)

 

Điểm đồng thuận là một tính năng sáng tạo của các cuộc phản biện Agora hướng đến việc đưa các cuộc phản biện đi theo hướng xây dựng sự đồng thuận. Mục đích của POA là thể hiện sự chấp nhận của một đội đối với một lập luận do một đội khác đưa ra. Sự chấp nhận này không thể được rút lại sau đó. Để nêu lên POA, tất cả các thành viên của đội nêu lên đều phải đồng ý (phải có sự đồng thuận).

Để ngăn các tình huống "có, nhưng…" thể hiện sự bất đồng hơn là đồng ý, một POA phải lặp lại lập luận của đội đối thủ chính xác như đã được đưa ra ban đầu. Nó không thể bị bóp méo, tô điểm, thay đổi sắc thái, hoặc trau chuốt thêm theo bất kỳ cách nào. Ví dụ, một đội không thể nói: "Chúng tôi đồng ý với quan điểm rằng có một mức độ gian lận vừa phải xảy ra trong giáo dục phổ thông được trợ cấp, nhưng…". Hoặc lời phát biểu của đội đối thủ được chấp nhận như đã đưa ra, hoặc không thể có POA nào về lời phát biểu đó.

Quy trình nêu lên một Điểm Đồng thuận là:

  1. Trong lượt phát biểu của mình, một thành viên trong đội đưa ra POA phát biểu rõ ràng: "Đội chúng tôi đồng ý với quan điểm/phát biểu của đội XXXX rằng: phát biểu".
  2. Lời phát biểu phải là sự lặp lại chính xác một lập luận hoặc lập trường mà đội kia đã đưa ra.
  3. Đội nhận được POA đáp lại hoặc "Chấp nhận" (nếu lời phát biểu được trích dẫn thực sự phản ánh lập trường của họ) hoặc "Bác bỏ" (nếu lời phát biểu được trích dẫn không thực sự phản ánh lập trường của họ). Nếu "Bác bỏ", thì có thể thêm một lời giải thích ngắn gọn.

 

Hợp nhất các đội

Hợp nhất các đội là một đặc điểm độc đáo trong Phản biện ở Agora Speakers, khuyến khích việc cố gắng đạt được sự đồng thuận.

Tại bất kỳ thời điểm nào của phần phản biện, hai đội có thể đạt được sự đồng thuận và hợp nhất thành một đội, bảo vệ một lập trường đồng thuận chung. Trong ví dụ trên, Nhóm N và D có thể đồng ý hợp nhất, bảo vệ một lập trường chung rằng "Mọi người nên tự chi trả cho việc học của mình, và số tiền nên mang tính chất tượng trưng nếu mức thu nhập của họ dưới một mức nhất định":

 

Khi hai đội hợp nhất lập trường của mình và trở thành một đội, một số thành viên thích hợp của đội hợp nhất được tạo thành phải ra khỏi đội để duy trì sự công bằng và quy tắc tất cả các đội phải có cùng số lượng thành viên.

Quá trình hợp nhất cần có sự đồng thuận nhất trí của tất cả các thành viên hai đội và được tiến hành như sau:

  1. Đội đề xuất quyết định đưa ra một lập trường đồng thuận với một đội khác. Tất cả các thành viên của đội đề xuất phải đồng ý với lời diễn đạt lập trường đồng thuận. Ngoài ra, đội đề xuất phải chọn trước các thành viên trong đội sẽ rời đi nếu đề xuất được chấp nhận.
  2. Trong bất kỳ lượt phát biểu nào của nhóm đề xuất, người trình bày bắt đầu bằng cách nói với đội nhắm đến những lời đại loại như "Chúng tôi muốn đưa ra lập trường đồng thuận sau đây cho đội XXXX: ". Dù chọn công thức nào thì cũng phải nói rõ đây là đề xuất hợp nhất lập trường, đề xuất phải được diễn đạt rõ ràng và phải hướng đến một đội cụ thể.
  3. Sau khi đưa ra đề xuất, người trình bày tiếp tục phần trình bày thông thường của mình.
  4. Khi hết lượt của đội đề xuất, người chủ trì cho phép tạm dừng 1 phút trong phần phản biện để đội nhận được đề xuất quyết định. Trong thời gian tạm dừng, đội nhận được đề xuất sẽ cân nhắc kỹ và đưa ra quyết định, chỉ có thể là chấp nhận hoặc từ chối lập trường đồng thuận được đề xuất. Việc chấp nhận phải được nhất trí, và phải rõ ràng thành viên nào trong đội chấp nhận sẽ rời đi để duy trì sự cân bằng trong đội hợp nhất.
  5. Sau khi tạm dừng, bất kể đến lượt trình bày của đội nào, người chủ trì sẽ gọi đội nhận được đề xuất và hỏi xem họ chấp nhận hay từ chối lập trường được đề xuất. Đội nhận được đề xuất chỉ có thể trả lời bằng cách chấp nhận hoặc từ chối; không có tranh luận hoặc phần trình bày nào được phép ở thời điểm này.
    • Nếu đội nhận được đề xuất từ chối, thì phần phản biện tiếp tục bình thường, người chủ trì sẽ nhường sân khấu cho đội đến lượt tiếp theo nói.
    • Nếu đội nhận được đề xuất đồng ý, thì các thành viên trong đội được chọn trước sẽ rời đi và một nhóm hợp nhất duy nhất tiếp tục. Đội mới này không thể nói trong vòng này, vì coi như đã sử dụng hết lượt trong điểm 3.

Không được phép chia tách các đội đã hợp nhất.

Các đội hợp nhất được xem là một đội duy nhất kể từ khi hợp nhất, được hưởng một lượt nói và một lượt thẩm vấn chéo, với thời gian tiêu chuẩn áp dụng cho bất kỳ đội bình thường nào.

Phần phản biện tự động kết thúc với "Sự đồng thuận" nếu không còn đội nào sau khi hợp nhất.

Nếu đây là một cuộc thi phản biện, thì tất cả các đội được hợp nhất thành một đội cuối cùng được tuyên bố là "Những người chiến thắng với sự Đồng thuận". Các cuộc thi nên khuyến khích dạng kết quả này.

Lưu ý rằng nếu có bất kỳ loại giải thưởng cá nhân nào, thì chúng nên được trao cho tất cả các thành viên ban đầu của đội hợp nhất, bất kể họ có rời khỏi phần phản biện trong quá trình hợp nhất hay không để duy trì sự cân bằng của đội.

 

Hành vi không thể chấp nhận

 

Để có một phần phản biện và bầu không khí câu lạc bộ lành mạnh, thì bắt buộc phải ngăn chặn bất kỳ hình thức lăng mạ, lập luận cá nhân, phát ngôn thiếu tôn trọng hoặc lên giọng, la hét nào. Không điều nào trong số này được phép và có thể dẫn đến việc một thành viên trong đội hoặc bản thân đội bị loại. Lưu ý rằng những lời xúc phạm có thể là phi ngôn ngữ (ví dụ dưới dạng cử chỉ) và vẫn phải bị phạt.

Lập luận Cá nhân là bất kỳ lập luận nào (hoặc câu hỏi hoặc bình luận) nhắm vào các đặc điểm hoặc thuộc tính của một người trong đội đối thủ hoặc các vấn đề nằm ngoài phạm vi của cuộc phản biện, bao gồm (nhưng không giới hạn ở):

  • Tuổi tác, Giới tính, Khuynh hướng hoặc bản sắc tình dục, Quốc tịch, Chủng tộc, Màu da, Tôn giáo, Ý thức hệ, Tình trạng sức khỏe.
  • Nền tảng giáo dục hoặc nghề nghiệp.
  • Phong cách sống, sở thích, thú vui và điều quan tâm.
  • Các công bố hoặc phát biểu được đưa ra bên ngoài phần phản biện. (Phần phản biện là độc lập, và những lập luận duy nhất có thể phản đối là những lập luận được đưa ra trong chính phần phản biện).

Lập luận Cá nhân cũng là lập luận được sử dụng để khái quát hóa các nhóm người dựa trên những tiêu chí trên, ngay cả khi người mà lập luận hướng đến không thuộc nhóm đó. Ví dụ: "Tất cả những người Tây Ban Nha đều lười biếng" là một lập luận công kích cá nhân, ngay cả khi không có ai trong phần phản biện đến từ Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lưu ý rằng được phép cung cấp các bằng chứng nghiên cứu khách quan không mang tính chất phán xét liên quan đến các nhóm người. Ví dụ: sẽ là hợp lệ khi phát biểu rằng: "Những người dân ở Elbonia chỉ làm việc 12,6 giờ mỗi tuần, trái ngược với 37,4 giờ mỗi tuần ở Pháp".

Người chủ trì phản biện phải hành động ngay lập tức khi nghe thấy một lập luận cá nhân. Nếu điều này không xảy ra, thành viên mà lập luận cá nhân hướng đến có thể giơ tay và nói "Lập luận công kích cá nhân" để buộc người chủ trì phải hành động, và người chủ trì phải trả lời "Không đồng ý" hoặc "Đồng ý". Nếu người chủ trì tin rằng một lập luận cá nhân đã được sử dụng, họ có thể làm một trong những việc sau:

  1. Cảnh báo thành viên trong đội sử dụng lập luận công kích cá nhân để tránh các lập luận tương tự về sau.
  2. Ngừng bài phát biểu của người nói và tước quyền nói của đội vi phạm trong một vòng.
  3. Loại thành viên của đội vi phạm và loại họ ra khỏi đội vi phạm.
  4. Loại cả đội nếu các thành viên của đội vẫn tiếp tục sử dụng các lập luận cá nhân sau khi một trong các thành viên của họ đã bị loại vì lý do đó.
  5. Chấm dứt chính phần phản biện nếu thấy nó đã chuyển thành một trận đấu giữa các lập luận công kích cá nhân.

Một loại hành vi khác ít nghiêm trọng hơn nhưng cũng không thể chấp nhận tương đương là:

  • Liên tục ngắt lời những người nói khác bằng POI giả hoặc POA giả
  • Dùng cách trì hoãn để "ăn lẹm vào" thời gian của đội khác, đặc biệt là trong các vòng thẩm vấn chéo.
  • Liên tục quá giờ.
  • Phá vỡ hoặc lạm dụng các quy tắc.

 

Quy tắc về bằng chứng

Bằng chứng là các dữ kiện, hình ảnh, video, dữ liệu, trích dẫn, v.v., hỗ trợ cho lập luận của người nói.

Các quy tắc sau áp dụng cho bằng chứng:

  • Mỗi phần bằng chứng phải được tách biệt rõ ràng với ý kiến ​​riêng của người nói và với các phần bằng chứng khác.
  • Tất cả các bằng chứng phải được xác định, có nguồn gốc và có thể kiểm chứng độc lập. Điều này rõ ràng không cho phép "bằng chứng trừu tượng hoặc mập mờ" trong các phát biểu kiểu như "Nghiên cứu cho thấy rằng…". Thay vào đó, những phát biểu như vậy nên được trình bày lại thành "Nghiên cứu được thực hiện bởi... trong... cho thấy rằng…"
  • Bằng chứng không được bóp méo, trích dẫn sai, trích dẫn một phần hoặc trích dẫn khỏi ngữ cảnh. Những hành vi như vậy được coi là không thể chấp nhận được.
  • Tất cả các bằng chứng được sử dụng phải cung cấp cho các đội khác, khán giả và ban giám khảo, để bất kỳ ai trong số họ đều có thể sử dụng trong lượt nói của mình. Điều này có nghĩa là, ví dụ, nếu bạn sử dụng một biểu đồ in để đưa ra quan điểm, thì biểu đồ in phải được đặt ở một nơi trong phòng để người khác có thể lấy sử dụng.
  • Theo yêu cầu của bất kỳ đội nào khác hoặc của giám khảo, bằng chứng sử dụng phải được cung cấp dưới dạng chi tiết và bằng văn bản. Nếu bằng chứng quá dài, thì phải có ít nhất một trang trong đó.
  • Mỗi phần bằng chứng phải cung cấp ít nhất các thông tin sau:
    • Tên tác giả
    • Trình độ của tác giả có liên quan đến chủ đề hiện tại
    • Thông tin nguồn thư mục đầy đủ, bao gồm ngày tháng và số trang
    • URL đầy đủ và ngày truy cập nếu là nguồn Internet.

Quy tắc phụ

  • Các thành viên trong đội không được nhận bất kỳ huấn luyện bên ngoài nào trong suốt thời gian của phần phản biện.
  • Khán giả hoặc các thành viên đội khác không được phép ngắt lời người trình bày và việc này phải được Người chủ trì phản biện xử lý. Không được phép cổ vũ.